Cuộc đời và cái chết của trùm giang hồ ĐẠI CATHAY

TRẦN ĐẠI (ĐẠI TÌ CÁI THẾ)

1/

TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG

Cuộc đời của Đại Cathay bắt đầu bằng nổi bất hạnh và kết thúc bằng cái chết đầy bí ẩn.
Từ một cậu bé bụi đời ở đường hẽm sau rạp chiếu bóng Cathay, nhờ liều mạng và lì đòn, Đại đã trở thành một trùm xã hội đen ở Sài Gòn Chợ Lớn với cái tên Đại Cathay.
Lúc bấy giờ, giới giang hồ đất Sài Gòn có 4 đại cao thủ, được gọi là Tứ Đại Thiên Vương, gồm có Đại, Tỳ, Cái, Thế. Đó là Đại Cathay, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế.
Đại Cathay được xếp hàng đầu, gọi là đại ca của những đại ca trong giới giang hồ Sài Gòn. Không những là thủ lãnh của những tay du côn, du đảng, đâm thuê chém mướn, đầu trộm đuôi cướp, mà Đại Cathay còn thu phục đám trí thức, công tử con nhà gia thế, học trường Tây, và một số văn nghệ sĩ nữa.
Bên cạnh đó, nhóm Hắc đạo người Hoa trong Chợ Lớn nổi tiếng nhất là Tín Mã Nàm (Con ngựa điên) cũng hùng cứ một phương. Một rừng không thể có 2 cọp, cho nên những cuộc hỗn chiến đẫm máu, kinh hồn nổ ra để tranh giành lãnh địa, quyền lực và chia chác lợi lộc. Chiến thắng trong những trận tranh hùng đã đưa Đại Cathay trở thành ông trùm giang hồ, thời những năm 1960.
Nhiều huyền thoại tô vẽ Đại Cathay làm cho nhân vật nầy, vợ hắn và đàn em, trở thành những nhân vật trong tiểu thuyết, điện ảnh, âm nhạc qua những tác phẩm như Điệu Ru Nước Mắt, Vết Hằn Trên Lưng Ngựa Hoang, Trần Thị Diễm Châu, đưa tên tuổi Đại Cathay lên tuyệt đỉnh trong làng dao búa.
Tánh ngổ ngáo, ngang tàng coi thường pháp luật đã giết chết tên trùm du đảng nầy. Tự xem mình như ông trời con, ra đường, Đại chễm chệ trên băng trước của chiếc Mustang mui trần, hiệu xe mà chỉ có vài chiếc ở Sài Gòn, cả chục đàn em rú ga xe gắn máy, trước mở đường, sau hộ tống.
Cuộc đời tội lỗi, dù có lẫy lừng đến đâu, rồi thì cũng chết trong tội lỗi.

2/- Tứ Đại Thiên Vương Sài Gòn

Thế giới giang hồ Sài Gòn ở những năm 1960 dưới sự cai quản của 3 tay đại ca nổi tiếng, là Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế (Ba Thế). Ba Thế là một cao thủ tiếng tăm, làm chủ vũ trường Aristo trên đường Lê Lai, bên hông ga xe lửa Sài Gòn. (Admin : bây giờ nơi đây là nhà hàng Lê Lai)
Trước sự lớn mạnh của băng Đại Cathay, 3 tay sếp sòng nầy không mấy vui lòng.
Sau khi ổn định tổ chức, băng đảng của Trần Đại có đến hàng trăm anh em. Những đàn em sừng xỏ như Lâm Đào Già (sau khi bị Tín Mã Nàm chém rụng một ngón tay, nên có tên là Lâm 9 ngón), Hoàng Sayonara (còn gọi là Hoàng Guitar) là quân sư, Hùng Đầu Bò, bác sĩ Nghiệp, Dzách Bửu, Ban tham mưu có đủ văn võ từ đánh đấm đến chiến lược.
Trần Đại quyết định mở rộng uy thế và địa bàn hoạt động, nên gởi thơ đến bộ ba đại ca đầu xỏ đề nghị hợp tác làm ăn. Nhận được thơ, Huỳnh Tỳ chửi thề, Nó là cái thằng nhóc năn nỉ xin được đánh giày cho tao trước kia, nó có tài cán gì mà xưng là đại ca và đòi hợp tác làm ăn.
Cả ba quyết định phục kích, đánh hội đồng để triệt hạ Đại Cathay. Một bữa tiệc được tổ chức, gọi là tiệc đề nghị kết hợp, mời Trần Đại đến dự để bàn công việc.
Không chút nghi ngờ, cứ nghĩ rằng 3 tay anh chị nầy muốn qui thuận, về làm ăn chung với đại gia đình huynh đệ của mình, nên Đại ung dung, đơn thân độc mã đút đầu vào bẩy.
Mới lót tót lên tới cầu thang, vừa đưa tay ra bắt tay với Ba Thế, thì bất ngờ, Ba Thế nhảy lên cao, tung cú đá song phi mạnh như vũ bão, làm cho Trần Đại lộn cổ xuống thang lầu. Bốn tay em phục kích, rút dao ra chém loạn đả, tới tấp, quyết triệt hạ cho được Trần Đại. Đại chụp được chiếc ghế gỗ của bà bán thuốc lá trước cửa, vừa đở vừa tìm đường thoát thân với mình mẫy đầy thương tích, máu me thấm ướt cả áo quần, tưởng đâu mất mạng.
Trong thời gian dưỡng thương, Lâm Đào Già và Hoàng Sayonara huy động đám đàn em tổ chức bảo vệ đại ca, vì sợ bọn cô hồn bộ ba thừa thắng xông lên, tiếp tục tấn công truy sát.
Ngay sau khi các vết thương chưa kịp kéo da non, dù uy thế của Đại lúc đó rất lớn, có cả trăm đàn em, nhưng Trần Đại ra lịnh cho họ phải bất động, chỉ một mình Đại xách dao đi tìm, để tỉa từng người một, những kẻ đã tham gia vụ bề hội đồng vừa qua.
Cả ba tên Tỳ, Cái, Thế và 2 đàn em bị chém suýt toi mạng, tưởng đâu phải đi chuyến tàu suốt xuống Suối vàng. Cuối cùng, 5 tên phải nhờ một lão giang hồ là Tám Lâu, có thân tình với Trần Đại, đứng ra làm trung gian dàn xếp, giảng hòa và xin Trần Đại cho họ có dịp để xin lỗi và chịu thần phục.
Danh xưng Tứ Đại Thiên Vương : Đại, Tỳ, Cái, Thế bắt nguồn từ sau bữa tiệc hòa giải hôm đó.

3/- Trận thư hùng giữa hai băng đảng Việt-Hoa

- Thế giới Hắc Đạo Chợ Lớn
Chợ Lớn là thế giới riêng của người Hoa. Các bang hội như Phước Kiến, Triều Châu, Tiều, Quảng Đông, sinh hoạt riêng biệt, người Việt không thể chen chân vào. Người Hoa có khuynh hướng bao che, ít hợp tác với chính quyền, vì muốn bảo vệ đồng hương và sợ bị trả thù.
Giới kinh doanh người Hoa phát triển rất mạnh, nhiều đại thương gia Chợ Lớn có liên hệ với những tên tài phiệt Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cau, họ có khả năng lủng đoạn nền kinh tế VNCH với những đại xì thẩu như Lý Long Thân, Mã Tuyên, và trước kia là Chú Hỏa, Quách Đàm. Các bang hội bầu ra một Tổng Bang Trưởng, giống như một Bố Già để lãnh đạo cộng đồng Chợ Lớn, thời đó là Mã Tuyên, một nhân vật có uy thế đến nổi Tổng thống Ngô Đình Diệm phải nhờ bảo vệ ở nhà Mã Tuyên trong đêm 1/11/1963, trước khi đến nhà thờ Cha Tam.
So với băng đảng Đại Cathay, Hắc Đạo Chợ Lớn được tổ chức chặt chẽ và hùng mạnh hơn nhiều. Đứng đầu băng đảng Chợ Lớn là Tín Mã Nàm, là nhân vật thứ hai sau Hoàng Long (Rồng Vàng) là người thống lãnh chi nhánh Sài Gòn – Chợ Lớn của Hội Tam Hoàng ở Việt Nam.
- Hội Tam Hoàng
Hội Tam Hoàng là một trong những băng đảng tội phạm lớn ở Hồng Kông, có chi nhánh trên các nước có nhiều người Hoa sinh sống, như Ma Cau, Đài Loan, các khu phố Tàu (China Town) ở châu Âu, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Chợ Lớn.
Nguồn gốc là tổ chức Phản Thanh Phục Minh của các dòng họ có liên quan mật thiết với triều đình nhà Minh, như Mộc Vương Phủ, mà Kim Dung nói đến trong chuyện Lộc Đỉnh Ký với nhân vật chính là Vy Tiểu Bảo.
Sau nầy, Hội Tam Hoàng được tổ chức bí mật, hoạt động trên mọi lãnh vực như buôn lậu vũ khí, tống tiền, mãi dâm, bắt cóc, làm hàng giả, tiền giả, cho vay nặng lãi, cờ bạc. Riêng tại Hồng Kông, Hội Tam Hoàng có 50 băng đảng, quy tụ 80,000 hội viên.
- Tín Mã Nàm
Tín Mã Nàm tên thật là Trần Hà Tư, lấy hiệu là con ngựa điên, người có thân hình hộ pháp, đã nhiều năm luyện tập võ Thiếu Lâm Hồng Gia Quyền. Năm 17 tuổi đã hạ đo ván võ sĩ vô địch Ma Cau. Băng đảng của Tín Mã Nàm bảo kê các sòng bài, tiệm hút, động mãi dâm, nhà hàng, vũ trường. Các cơ sở kinh doanh người Hoa trong Chợ Lớn cũng phải đóng hụi chết hàng tháng cho Tín Mã Nàm.
Dưới trướng của đại ca nầy có nhiều cao thủ với nhuiều thành tích về đâm thuê, chém mướn, vào tù ra khám, làm ăn bất hợp pháp, như : Sú Há, Hắc Quẩy Chảy, Quầy Thầu Hao, Cọp Chảy, Lục Chỉ, Sám Sò, Hỏi Phoòng Kin (Kim Hải Phòng).
- Kế hoạch mở rộng lãnh địa của Đại Cathay
Sau khi cũng cố thế lực ở quận 1, quận 2, vùng Đa Kao, Tân Định, Đại Cathay quyết định mở rộng địa bàn vào vùng Chợ Lớn.
Theo kế hoạch của quân sư Hoàng Sayonara, Đại mua chuộc tên đàn em của Tín Mã Nàm, vốn có chuyện bất mãn với chủ tướng, là tài pán Dương Chí, phụ trách các sòng bài ở Chợ Lớn. Tên nầy bán đứng đàn anh bằng cách lôi kéo một số lượng lớn những con bạc nặng ký, từ các sòng ở Đại Thế Giới, rạp hát Hào Huê về các sòng ở Cầu Muối do Bảy Sy phụ trách. Bảy Sy là anh vợ của Năm Cam. Sau đó, Dương Chí bỏ luôn Tín Mã Nàm về Sài Gòn mở sòng cho Đại Cathay.
Tín Mã Nàm tức giận, ra lịnh : Tao cho quyền tụi bây chém chết mẹ ló mấy cái thằng làn em nào của Đại Cathay dám ló mặt vào Chợ Lớn.
- Đại Cathay ra tay hành động
Trong suốt 12 tháng liền, Đại tiếp tục đổ quân tập kích các điểm làm ăn của băng Tàu Chợ Lớn. Chém đại bất cứ ai. Tấn công nhanh, chém lẹ rồi rút lui, với mục đích là gây kinh hoàng trong đám khách. Chiến thuật của quân sư Hoàng Sayonara xem ra có kết quả, vừa gây thiệt hại nặng nề cho địch, vừa bảo vệ lực lượng của mình.
- Quyết đánh một trận lẫy lừng
Đích thân Đại dẫn theo 9 đàn em thuộc loại chiến đấu nhất, gồm những cao thủ như Ba Thế, Lâm Đào Già, Phong Khùng, Lộc Điên, chở đôi trên 5 chiếc xe gắn máy hiệu Goebel, máy Sach của Đức, là loại xe chạy nhanh nhất thời đó, so với Mobylette và Velo Solex.
Thần tốc tấn công vào quán cà phê trước rạp hát Hào Huê, là nơi tụ tập của băng Tín Mã Nàm. Bị tấn công bất ngờ, nhưng nhóm nầy cũng phản ứng rất nhanh. Chỉ cần bật mặt quầy lên, thì một thùng mã tấu, đoản kiếm, trường thương đủ trang bị cho cả bọn. Nhóm Tàu Chợ Lớn phản công dữ dội. Phong Khùng và Lộc Điên lãnh thẹo nặng nề, máu phun òng ọc ướt cả áo quần. Lâm Đào Già bị chém văng mất một ngón tay, nên từ đó,đổi tên thành Lâm 9 ngón.
Cuộc tập kích không thành công trọn vẹn, cả hai bên đều bị thiệt hại nặng nề, nhưng sau trận ra quân ác liệt đó, uy tín Đại Cathay lên cao trong giới giang hồ Sài Gòn – Chợ Lớn.
Sau đó, Tín Mã Nàm rơi vào tình trạng tuyệt vọng do công việc làm ăn xuống dốc thê thảm vì khách không dám bén mảng đến Chợ Lớn, sợ bị lãnh thẹo oan mạng. Tín Mã Nàm hận thấu xương, nhưng không có con đường nào khác hơn là cử người mời Trần Đại lên nhà hàng Đồng Khánh để thương lượng.
Quân sư Hoàng Sayonara và Lâm 9 ngón khuyên Trần Đại đừng vào hang cọp. Coi chừng bị mắc bẩy, nhưng Đại Cathay nổi máu anh hùng, quyết định nhận lời lên nhà hàng Đồng Khánh theo y hẹn.
Để tài xế ngoài cửa, Đại một mình, tay không, lên lầu hội kiến với Tín Mã Nàm.
Một bàn tiệc dọn sẵn. Thủ lãnh người Tàu cùng với một đội múa lân gồm mười mấy tên, mặt nào cũng có ngầu, gườm gườm nhìn Đại ung dung bước vào bàn tiệc. Một tên đàn em, thấy Đại đi một mình, là thời cơ thuận tiện, nên xổ một tràng tiếng Tàu, đề nghị chủ tướng ra tay luộc con mồi đem ra nhậu.
Nhìn cử chỉ của Trần Đại, con ngựa điên thầm phục. Tay đại ca vùng Chợ Lớn nhượng bộ, đồng ý giao khu vực từ chợ Nancy ra Sài Gòn cho Đại toàn toàn quyền quản lý. Phần địa bàn Chợ Lớn, thì đàn em của Đại được mở sòng, mở động ở những nơi nào không có cơ sở của người Hoa. Riêng khu chợ Sắt, chợ Tân Thành và đường hẽm 100 là vùng tuyệt đối không được xâm phạm, vì đó là giang sơn của Tín Mã Nàm và là nơi mà vợ bé của hắn đang sinh sống.
Thế là xong một hợp đồng nhượng địa, tuy không có chữ ký, nhưng giang hồ cam kết thì được nghiêm chỉnh thi hành.
Hai ly rượu mừng nâng lên. Uống cạn. Và Đại Cathay ngự trị trong thế giới ngầm Sài Gòn-Chợ Lớn.

4/- Vài nét về Đại Cathay

- Đại Cathay
Trần Đại tuổi Thìn, sanh năm 1940. Gốc miền Trung, nói giọng lơ lớ vùng Nghĩa Bình (Quảng Ngãi-Bình Định). Ngay cả đám em út thân cận cũng không biết rõ về gia thế của Trần Đại. Hơn cả chục lần về bót, hắn khai cả chục bản lý lịch khác nhau, khi thì cha tên Lê Văn Cự, lúc thì tên Trần Văn Trự. Mẹ cũng có nhiều tên, như tên Hương rồi tên Duyên…
Cha chết trong nhà tù Côn Đảo. Mẹ lấy chồng khác. Dượng ghẻ là một người thô lổ lại nghiện thuốc phiện, thường lôi Đại ra dần cho những trận đòn chí tử vì tánh ngỗnghịch, kết bè kết đảng với trẻ bụi đời, không học hành mà chỉ đi đánh lộn. Lúc 10 tuổi, Đại thôi học, bỏ nhà đi bụi đời, đánh giày, bàn báo nuôi thân.
Rạp chiếu bóng Cathay ở ngã tư Công Lý – Nguyễn Công Trứ, thuộc quận nhì thường xảy ra những trận ấu đả giành giựt khách đánh giày của lũ trẻ bụi đời. Trần Đại lì lợm, liều mạng, trăm trận trăm thắng với tay chân mặt mũi đầy những vết bầm tím, rướm máu.
Năm 14 tuổi, Đại xếp sòng khu vực rạp chiếu bóng Cathay, nên được gọi là Đại Cathay từ đó.
Đại đã từng bị tống vào Trại Giáo Hoá Thiếu Nhi, Thủ Đức, trại Tế Bần ở cầu chữ Y.
Đầu năm 1960, Đại trên 20 tuổi, đã trở thành ông trùm khét tiếng. Hắn bảo kê hầu hết các sòng bài, tiệm hút, vũ trường, động mãi dâm ở quận 1.
Ngoài những cao thủ trong làng dao búa, Đại Cathay bắt đầu quen biết với tầng lớp trí thức, con nhà gia thế, học trường Tây, như bác sĩ Nghiệp, Hoàng Sayonara (còn gọi là Hoàng Guitar), Dzách Bửu, Dzí Bửu, Hùng Đầu bò.
Trong giới nghệ sĩ, Duyên Anh là nhà văn, nhà báo nổi tiếng, đã gặp Đại Cathay và Hoàng Sayonara ở tiệm hút. Tên của hai du đảng nầy là nguồn cảm hứng để Duyên Anh sáng tác những tiểu thuyết Điệu Ru Nước Mắt (Đại Cathay), Vết Hằn Trên Lưng Ngựa Hoang (Hoàng Sayonara), Trần Thị Diễm Châu (Châu Kool – Vợ của Đại tên Nhàn).
Đạo diễn Lê Dân đã đưa những tiểu thuyết nầy của Duyên Anh lên thành phim. Nhạc sĩ Phạm Duy và Ngọc Chánh sáng tác bản nhạc Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang.
- Đại Cathay cặp kè với Đông Nhàn
Nhàn là con gái của thương gia nổi tiếng trong ngành bàn ghế ở đường Hồng Thập Tự, hiệu là Đông Nhàn, sau đổi tên thành Phan Văn Nhị. Nhàn con nhà giàu, học trường Tây, yêu say đắm Đại Cathay, nhưng gia đình cấm cản, nên bỏ nhà theo Đại sống như vợ chồng, và trở thành đàn chị của hàng trăm tên giang hồ thảo khấu.
Câu chuyện của Nhàn được Duyên Anh đưa vào tiểu thuyết mang tên Trần Thị Diễm Châu (Châu Kool vì hút thuốc lá hiệu Kool)
- Hoàng Sayonara
Hoàng Sayonara hay Hoàng Guitar là một tay chơi đàn nổi tiếng với bản nhạc trong phim Sayonara. Hoàng là quân sư của Đại Cathay.
Sau ngày băng đảng của Đại Cathay bị hốt vào trại Cửu Sừng ở Phú Quốc, băng đảng không còn, Hoàng hàn gắn lại mối tình đầu với người yêu tên Ngọc, sống đời bình thường. Cuộc sống túng thiếu, không có việc làm vì cái quá khứ du đảng, nhất là khi vợ có bầu sắp sanh mà tiền không có. Hoàng tham gia vào một phi vụ cuối cùng là hợp tác với băng Thành Điếc, đỗ hàng PX, kiếm tiền cho vợ sanh. (PX, chữviết tắt của Post Exchange, là những cửa hàng bán lẻ do quân đội quản lý, cung cấp nhu yếu phẩm cho quân đội Hoa Kỳ. Hàng miễn các thứ thuế, nên giá rẻ, và chợtrời bày bán đầy đường.)
Vụ bốc hàng bị quân cảnh Mỹ phát giác. Khi bắn nhau với QC Mỹ, Hoàng Guitar lãnh một băng đạn M-16 trên lưng, vết thù trên lưng ngựa hoang. Đó là cảm hứng cho Phạm Duy và Ngọc Chánh sáng tác bản nhạc Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang :
Ngựa hoang về tới bến rồi
Cởi mở lòng ra với cõi đời
Nhưngđời làm ngựa hoang chết gục
Và trên lưng nó, ôi
Còn nguyên những vết thù.
Khi đã bước vào giang hồ, muốn rút chân ra không phải dễ.

5/- Bài trừ du đảng

Với chức vụ Tư lịnh Cảnh Sát Quốc Gia, Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan quyết tâm bài trừ du đảng. Trung Tâm Bài Trừ Du Đảng ở bên kia cầu Bình Triệu, và Biệt Đội Hình Cảnh do Đại úy Trần Kim Chi chỉ huy.
Theo lịnh của Tướng Loan, Biệt Đội Hình Cảnh (BĐHC) được quyền bắn hạ tại chỗ bất cứ tên du đảng nào gây án trên đường phố và chống lại cảnh sát hành sự. Sau một thời gian hoạt động, BĐHC chỉ tóm được những tên tép riêu mà thôi. Đối tượng mà cảnh sát nhắm tới là Đại Cathay thì vẫn nhởn nhơ, thách thức.
Trần Đại không cướp giật, không bị ai tố cáo nên không có đủ bằng chứng để hốt vào tù. Đóng tiền bảo kê là những người làm ăn phi pháp nên cũng không có ai thưa kiện gì cả. Giang hồ cũng có luật lệ riêng của nó, những ai phản bội thì bị trừng phạt, từ lấy thẹo cảnh cáo đến thủ tiêu, cho nên không ai dám bán rẻ anh em, vì thế nhà chức trách rất khó làm việc.
Phụ tá Tướng Loan là Trung tá Mã Sanh Nhơn đưa thơ mời Trần Đại đến trình diện Tổng Nha Cảnh Sát QG. Đại đến. Tướng Nguyễn Ngọc Loan ra lịnh:
- Anh phải giải tán băng đảng. Không được lộng hành.
Trần Đại đồng ý với một điều kiện, là cho bọn đàn em được toàn quyền làm ăn hợp pháp trong việc khai thác các dịch vụ ở các kho, bến tàu bên Khánh Hội, khu vực Cầu Muối, hai bên bờ sông Tẻ, dưới hình thức một nghiệp đoàn bốc vác.
Một đề nghị thật là xấc láo, chơi gác chính quyền, là đòi hợp pháp hoá băng đảng dưới quyền điều khiển của tên trùm xã hội đen. Đúng là tuổi trẻ ngông cuồng không đọ sức mình cũng như châu chấu đá xe, đem trứng chọi đá vậy. Tướng Loan tức giận tuyên bố :
- Tôi ra lịnh cho anh phải giải tán hết. Anh không có quyền điều đình, mặc cả ở đây. Ngày nào tôi còn ngồi ở chiếc ghế nầy, thì ngày đó, cái đám giang hồ cắc ké của mấy anh không còn đất sống.
Trần Đại trả lời :
- Giang hồ không có vua, tôi làm sao có quyền ra lịnh cho các băng đảng được.
Cuộc đối thoại kết thúc. Kể như Đại Cathay tuyên chiến với cảnh sát. Trần Đại không nể mặt chính quyền, tiếng tăm lại nổi lên như cồn trong giới giang hồ, và Đại Cathay không biết được thái độ đó đã đẩy hắn đến gần ngày về chầu diêm chúa.

 

 

Đại Cathay bị thủ tiêu như thế nào?

-Lời đồn đại, đoán non đoán già vẫn cứ loang ra mãi, đắp thêm chất huyền thoại vào cuộc đời và cái chết của Đại Cathay.

Khi đã thâu tóm được hầu hết các băng du đảng có tiếng tăm ở Sài Gòn, Chợ Lớn, danh tiếng và tiền bạc đều lên như diều gặp gió, Đại Cathay cứ ngỡ mình là nhất thiên hạ, xem thường mọi thứ trên đời. Đến cả 2 tướng chế độ cũ là Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Ngọc Loan (ức Sáu Lèo) mà Đại Cathay cũng chẳng xem ra gì. Đại Cathay ngày càng ngạo mạn, lộng hành. Không chỉ ngổ ngáo với tướng Sáu Lèo trong công việc, Đại Cathay còn công khai qua mặt và thách thức viên tướng này trong cả khoản ăn chơi, chẳng thèm lưu tâm gì đến sức nặng của cái lon chuẩn tướng và trọng trách trong ngành cảnh sát mà Nguyễn Ngọc Loan đang nắm giữ.


Vũ trường Olympic là chốn mà băng Đại Cathay thường xuyên lui tới, cũng là nơi chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan giải sầu hàng đêm. Trong khi viên tướng có máu giang hồ và đám lính tới vũ trường một cách xô bồ, bụi bặm, thì Đại Cathay thường lướt trên một chiếc Chevrolet có gắn điều hoà không khí, choáng lộn (Trong ảnh là một gái nhảy trong vũ trường ở Sài Gòn trước năm 1975).
So với đám vệ sĩ với lương lính còm cõi, Đại Cathay và các đồ đệ tỏ ra hơn hẳn, rút tiền chẳng bao giờ đếm, được các em cave ở đây săn đón nồng nhiệt hơn nhiều. Đám vệ sĩ của tướng Sáu Lèo tức lắm, nhưng chưa có dịp gây hấn. Một buổi tối, sau một ngày “thu thuế” vượt chỉ tiêu, Đại Cathay và khoảng chục đàn em, trong đó có Lâm Chín ngón và Lành Cầu Muối kéo đến vũ trường Olympic để “đập phá”. Như lệ thường, đám cave ùa tới vây lấy các “đại ca”. Trong lúc cả đám du đảng đang vui vẻ với các cave, bất ngờ cánh cửa vũ trường mở toang. Đám lính của Sáu Lèo trong những bộ đồ rằn ri xộc vào, kéo ghế ngồi nhưng không thấy cô cave nào đến phục vụ trong khi ở bàn bên, băng nhóm du đảng đang giỡn với các cave (ảnh: Maxim's ở Sài Gòn trước năm 1975).
Một cận vệ của Tướng Nguyễn Ngọc Loan là Thiếu úy Hải rời khỏi bàn, đến đứng đối diện với Đại Cathay, hất hàm nói: “Vui vẻ quá hả? Sang bớt mấy em chứ, để bên này ngồi không, coi sao đặng?”. Vẫn không buông vai cô cave, một cận thần của Đại là Hải Súng hất mặt nói: “Đâu có được, đến trước có phần trước, trâu chậm phải uống nước đục, trách gì?”. Tay Thiếu úy đưa tay vào bụng cố ý làm lộ khẩu súng và nói: “Đừng chơi quê tụi này chớ!”(ảnh: Vũ trường Kiua ở Sài Gòn trước năm 1975).
“Thì đã sao. Thịt người tanh không ăn được, đừng doạ nhau, tụi này không thích!”. Bị khiêu khích, tên Thiếu úy Hải xấn tới, chụp lấy tay cô cave kéo về phía mình, tuyên bố: “Không thích cũng bắt!”. Hải Súng chụp chai Black and White trên bàn ném mạnh vào mặt đối thủ. Thiếu úy Hải buông cô cave, tránh đòn và móc súng. Đại Cathay hét lên: “Tụi nó chơi súng, rút, tụi bây” (Ảnh: những chai rượu Black and White). Băng của Đại chưa kịp chạy thì các loạt súng đã nổ, một viên đạn trúng vào đầu gối Đại làm y gục xuống. Hải Súng xốc Đại lên, bỏ chạy khỏi vũ trường trong lúc, Lâm Chín ngón có giắt súng theo đã đọ súng cầm chân đám lính, hai bên bắn loạn xạ, nhưng vì đèn trong vũ trường vụt tắt nên không gây thương vong gì thêm.
Thoát chết trước họng súng của cảnh sát, nhiều “chiến hữu” lại bị cảnh sát bắt giam, Đại Cathay như biết điều hơn. Một buổi tối, hắn bao nguyên nhà hàng Paramouth mời Đại úy Trần Kim Chi đến dự tiệc. Đại Cathay mở lời: “Nếu đại úy chịu tha một số anh em của tôi vừa bị bắt, chúng tôi sẽ không quên ơn anh…”. Viên đội trưởng “Biệt đội hình cảnh” cũng thuộc loại ngang tàng không kém gì Đại Cathay, đã từ chối thẳng thừng: “Ăn nhậu là ăn nhậu, bắt là bắt. Nếu anh mời tôi đến đây là để mặc cả thì coi như tàn tiệc, tôi xin kiếu!”.

Bình thường thì có lẽ máu côn đồ của Đại Cathay sẽ nổi lên, nhưng do đang yếu thế nên Đại vẫn nhỏ nhẹ: “Ồ không không. Nếu đại úy không ưng thuận thì thôi. Còn hôm nay mời đại úy đến là để anh em vui vẻ. Mời đại úy cứ tự nhiên, đêm nay toàn bộ nhà hàng này là chỉ để phục vụ chúng ta, đại úy đừng bận tâm làm gì”.
Sau buổi tiệc đó không lâu, đại úy Trần Kim Chi đã bị một chiếc xe chở gỗ bất ngờ đụng ngang qua chiếc xe hơi CV2 của ông ta khi viên đại úy này đang đi công vụ trên xa lộ, làm ông ta chết tại chỗ, chiếc xe gây tai nạn bỏ chạy mất. Cả giới du đảng Sài Gòn và lực lượng cảnh sát ngụy đều cho rằng chính Đại Cathay đã sát hại Đại úy Trần Kim Chi (ảnh mang tính minh họa).
Cái chết của Trần Kim Chi cũng là dấu chấm hết cho cuộc đời du đãng của Đại Cathay. Tháng 8/1966, tướng Nguyễn Ngọc Loan đã ra lệnh bắt tống giam Đại Cathay với tội danh “Du đãng đặc biệt” cùng với nhiều trùm du đảng khác ở khắp Sài Gòn.
Ngày 28/11/1966, Đại Cathay bị tống lên máy bay vận tải C47 đưa ra giam giữ tại đảo Phú Quốc. Trước khi bước chân lên máy bay, Đại còn quay lại đấm một cảnh sát dập sống mũi chỉ vì hắn nghe loáng thoáng người này nói một câu gì đó không hay về hắn.
Trại “Cửu Sừng" chẳng những không “hướng nghiệp” được đám du đảng, mà trái lại nơi đây đã làm cho chúng kết tình “huynh đệ” sâu nặng hơn, để sau này khi được thả về đất liền, chúng tiếp tục trở thành những băng nhóm du đảng còn dữ dội hơn trước lúc ra đảo. Toàn bộ đám du đãng bị bắt đưa ra đảo như Hải Súng, Hoà áo thun, Lâm Chín ngón, Bảy Si, Hỏi Phoòng Kin, Thanh tưa, Quẩy Thầu Hao... sau này đều là những tên du đãng cộm cán nhất của Sài Gòn – Chợ Lớn. Khi Đại và cả đám đàn em bị tống ra đảo Phú Quốc, vợ Đại Cathay ở lại Sài Gòn biết chắc rằng loại tù không án như chồng mình khó có ngày trở về. Cô cùng anh trai treo số tiền 1,5 triệu đồng, là số tiền cực lớn lúc đó, cho ai có cách cứu Đại Cathay đem về đất liền. Món hời này đã được đại tá Long - một sĩ quan thuộc lực lượng Hải quân chỉ huy tàu tuần lưu - nhận giúp đỡ.
Đầu tháng 1/1967, vợ Đại Cathay ra Trại Cửu Sùng thăm chồng. Gặp Đại Cathay, cô báo cho chồng biết đã lo xong việc tổ chức cho Đại Cathay vượt ngục. Theo kế hoạch, đám lính gác sẽ làm ngơ cho Đại Cathay và một số đàn em trốn ra khỏi trại. Một xuồng máy chờ sẵn dưới bãi biển để đưa đám tù ra khơi, rồi có tàu hải quân thuê sẵn rước Đại về đất liền. Đúng 12 giờ đêm ngày 7/1/1967, Đại Cathay dẫn cả bọn đàn em đào thoát ra ngoài. Theo sự phân công của Đại Cathay, đám tù trốn trại chia làm hai tốp. Tốp thứ nhất gồm năm tên đi trước để nghi binh. Tốp thứ hai, có Đại Cathay và Hải Súng chạy theo hướng bờ biển. Thế nhưng, khi cả hai tốp vừa vọt ra khỏi vòng rào thì phía trại báo động inh ỏi. Tốp thứ nhất, gồm Xì kíp, Hùng Mỏ chuột,.. bị bắt lại ngay.
Đại Cathay và Hải Súng vội đổi kế hoạch, chạy vào khu núi Tượng, nơi có Quân giải phóng hoạt động. Cùng lúc, có tiếng của nhiều chiếc máy bay trực thăng trên đầu, cùng ánh sáng của hỏa châu sáng vằng vặc. Nhiều loạt đạn từ máy bay bắn xuống, người ta còn nghe nhiều tiếng la hét vọng ra từ rừng sâu. Kể từ đó không ai còn gặp đại Cathay nữa, có lẽ hắn đã bỏ mạng vì những loạt đạn lúc nửa đêm trên núi Tượng, rồi rơi xuống vực sâu nào đó mất xác. Lúc đó, dư luận ở Sài Gòn đặt ra nhiều khả năng về sự biến mất của Đại Cathay, như hắn đã trốn thoát rồi vượt biển qua Campuchia, đi luôn ra nước ngoài lánh nạn. Cũng có tin đồn là Đại Cathay đã lần về được Sài Gòn và sống ẩn dật.

Sau ngày giải phóng, hồ sơ về cái chết của Đại Cathay đã làm sáng tỏ: Biết không trị nổi Đại Cathay, lại nhiều lần bị tên du đảng làm bẽ mặt, nhất là sau khi cái chết của đại úy Trần Kim Chi mà ai cũng cho là do Đại Cathay tạo ra, chuẩn tướng Sáu Lèo Nguyễn Ngọc Loan rất hận, tìm cách loại trừ vĩnh viễn Đại Cathay.
Sau khi bắt đưa Đại ra Phú Quốc, tướng Loan vẫn chưa có cách gì để tiêu diệt Đại mà không làm náo động Sài Gòn. Qua nguồn tin của đám lính thân cận, tướng Sáu Leo biết cô Nhân – vợ Đại – đang tìm cách lo lót tổ chức cho Đại Cathay vượt ngục. Nguyễn Ngọc Loan đã chỉ đạo cứ để cho Đại Cathay thực hiện kế hoạch. Đến giờ chót, theo lệnh Loan, toàn bộ toán lính gác của trại hướng nghiệp bất ngờ bị đổi. Toán lính gác mới ráo riết truy kích đám du đảng đàn em, còn Đại và Hải, chúng cố ý để cho đào thoát vào núi Tượng.
Sau đó, Loan cho một tiểu đội biệt kích do thiếu úy Trần Tử Thanh chỉ huy, được trực thăng chở từ Sài Gòn ra truy kích Đại và Hải, bắn hạ chúng. Diệt xong, toán biệt kích dù phải đắp mộ chôn không để lại dấu vết. Chính thiếu úy Trần Tử Thanh sau này đã từng huênh hoang khoe với nhiều phóng viên của một số tờ báo ở Sài Gòn trước 1975 rằng, chính tay y đã nổ súng hạ gục Đại Cathay.
Khá nhiều người cũng biết rõ ngọn nguồn sự việc, song trước khi ngụy quyền sụp đổ, không một tờ báo nào dám viết về âm mưu hại địch thủ của tướng Nguyễn Ngọc Loan. Vì vậy, lời đồn đại, đoán non đoán già vẫn cứ loang ra mãi, đắp thêm chất huyền thoại vào cuộc đời và cái chết của một kẻ du đãng như Đại Cathay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

nguoivietxaxu